Bánh đót trong phong tục cưới của người Triêng

0
(ĐĐDL Tổng Hợp) – Trong đám cưới truyền thống của người Triêng (Quảng Nam), chiếc bánh đót là quà biếu thể hiện lòng hiếu thảo, sự thành kính của con dâu đối với mẹ chồng.

Bánh đót của người Triêng (thuộc dân tộc Giẻ Triêng) còn gọi là “Klau đơ nhĩ clo cốt”, được xem là vật phẩm không thể thiếu trong nghi thức cưới xin truyền thống của đồng bào dân tộc này. Đặc biệt, huyện Nam Giang là vùng lưu giữ khá trọn vẹn cách làm bánh cổ truyền cũng như phong tục con dâu biếu bánh cho mẹ chồng.

DCC_1421974299

Bánh đót là món ăn truyền thống thể hiện tình yêu thương của con dâu đối với mẹ chồng

Trong dịp tết Cha-kcha cổ truyền vào cuối tháng 10 âm lịch, cô dâu mới cưới tự tay mình giã gạo lúa mới (thứ gạo rẫy màu đỏ khi ăn có vị ngọt đậm, béo) và vào rừng hái lá đót về gói bánh. Đót là loại cây quen thuộc xuất hiện khắp nơi từ bìa rừng, con suối đến sau nhà ở của người Triêng. Chúng thường mọc thành bụi như lau lách nhưng lá ngắn và to bản hơn, cạnh rất sắc, có thể cứa đứt tay nếu người hái không cẩn thận. Lá đót dùng làm bánh được chọn lựa thật kỹ: độ lớn vừa đủ, quá non sẽ kém thơm, quá già sẽ bị rách khi gói.

27c2a_4

Người dân hái lá đót về gói bánh

Nếp được dùng gói bánh do gia đình nhà gái cùng giã, thông thường ít nhất cũng từ 20-25 kg, còn tùy thuộc vào số lượng thành viên trong gia đình nhà chồng. Loại nếp được chọn là nếp nương hạt nhỏ, thon dài, có độ dẻo vừa phải, ăn không ngán như nếp đồng bằng.

Bánh không có nhân nên nguyên liệu đơn giản. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà đòi hỏi sự khéo léo và chất lượng nếp phải thuộc loại “hảo hạng”. Điều đặc biệt là người Triêng không ngâm gạo nếp trước mà gói xong bánh mới ngâm nước trong khoảng 2 giờ.

images777917_lagoi

Gia đình nhà gái xúm xít xếp lá chuẩn bị gói bánh đót

Sau đó, người ta nhóm lửa, chỉnh độ lửa cho vừa phải rồi bắt nồi nước lớn để xếp từng cặp bánh vào luộc chừng 3 tiếng. Khi ấy bánh bắt đầu chín, hương thơm tỏa ra ngào ngạt, vị nếp mới quyện với vị thơm của lá đót tươi tạo nên sức hấp dẫn lạ kỳ. Vì không có nhân nên bánh lá đót giữ được vị dẻo ngon khá lâu, trong vòng khoảng một tuần. Còn thêm khoảng một tuần nữa bánh sẽ hơi cứng, muốn ăn phải đem nướng trên bếp lửa.

6.2.6

Bánh đót thành phẩm tuy đơn giản nhưng đậm đà hồn núi hương rừng

Bánh đót là sự kết hợp hài hòa âm dương trong văn hóa tinh thần người Triêng ở Quảng Nam với nếp nương và lá đót biểu tượng cho sự giao hòa của trời đất, là hồn của núi rừng.

Bánh đót có ý nghĩa giống như bánh chưng của người Kinh vậy, để dâng cúng thần linh và ông bà tổ tiên, tỏ lòng tôn kính của con cháu. Ngoài ra, trong tục cưới xin, món bánh này đóng một vai trò quan trọng, mang ý nghĩa tâm linh cho một gia đình hạnh phúc tròn đầy, tình yêu xanh thắm như màu lá đót.

Ngọc Thùy tổn hợp/theo Làng Việt Online

Leave A Reply