5 “viên ngọc” quý của nghệ thuật kiến trúc Chăm ở Bình Định

0

(ĐĐDL Tổng Hợp) – Những ngọn tháp hàng nghìn năm đầy rêu phong, cổ kính là dấu tích của người Chăm và cũng là chứng nhân ghi dấu bao thăng trầm biến thiên ở miền đất võ Bình Định.

Xem thêm

1. Tháp đôi

Tháp đôi được xây dựng ở phường Đống Đa, Quy Nhơn vào cuối thế kỉ 12. Nơi đây là công trình độc nhất vô nhị của nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa. Cả 2 ngọn tháp ở đây đều không xây dựng theo kiến trúc vuông nhiều tầng như kiểu truyền thống. Tháp có cấu trúc gồm hai phần chính: khối thân vuông và phần đỉnh hình tháp mặt cong.

Tháp đôi

Đêm xuân ở tháp đôi

Nét cuốn hút của tháp nằm ở góc tháp với những bức tượng chim thành Garuda hai tay đưa cao như muốn nâng đỡ tháp mái. Vòm trên của các cửa lại mang dáng dấp của kiến trúc Ấn Độ khi được xây cao vút như những mũi tên. Tháp được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980.

2. Tháp Bánh Ít (tháp Bạc)

Nằm trên một đỉnh đồi thuộc xã Phước Hiệp, Tuy Phước, cách Quy Nhơn 20 km, tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12. Nhìn từ xa, ngọn tháp có hình dáng giống hệt chiếc bánh ít nên người dân địa phương gọi đây là tháp Bánh Ít.

Quần thể tháp Bánh Ít gồm 4 tháp, mỗi tháp mang một kiến trúc và sắc thái khác nhau. Tháp chính cao khoảng 20 m với mặt nền vuông được trang trí rất tỉ mỉ. Các cột tháp được tạo dáng thanh thoát, phần cửa nổi bật với những hoa văn hình xoắn kết nối với nhau tạo rất hài hòa.

Tháp Bánh Ít

Kiệt tác kiến trúc còn sót lại của người Chăm

Quần thể kiến trúc hàng nghìn năm tuổi với mái tường nhuốm màu thời gian và các bức phù điêu sinh động là công trình có giá trị nghệ thuật cao trong toàn bộ di tích tháp Chăm còn lại trên đất nước Việt Nam. Cụm tháp được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1982.

3. Tháp Cánh Tiên

Tháp được xây dựng bên trong quần thể di tích thành Đồ Bàn, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn vào thế kỷ 12. Phần thiết kế lạ mắt của tháp tạo ấn tượng khi bên trong các cột ốp tường được ốp kín bằng các phiến đá sa thạch chạm khắc hoa văn dây xoắn.

Tháp Cánh Tiên

Thiết kế cầu kì và tinh xảo ở tháp Cánh Tiên

Tháp có 4 tầng thu nhỏ về phía trên, mỗi tầng có 4 tháp góc trang trí, ở các góc được tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như cánh chim đang bay. Từ vai tháp trở lên, 4 phía đều giống như cánh tiên bay lên nên được gọi là tháp Cánh Tiên.

Phần trang trí của tháp Cánh Tiên rất cầu kì. Từ vòm cửa đến dải hoa văn hình xoắn và các khối đá ốp đều rất trang nhã nhưng không kém phần bề thế. Tháp được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1982.

4. Tháp Bình Lâm

Tháp Bình Lâm thuộc địa bàn xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước cách Quy Nhơn khoảng hơn 20 km. Tháp cao 20 m chia thành 3 tầng với hoa văn trang trí rất tinh xảo. Tháp được đánh giá là một trong những công trình thanh tú, có kiến trúc hài hòa tiêu biểu của kiến trúc Chăm.

Tháp Bình Lâm

Tháp Bình Lâm – Kiến trúc duy nhất còn lại trong khu vực thành Thị Nại

Vật liệu duy nhất xây dựng tháp là gạch. Những người yêu kiến trúc sẽ dễ dàng nhận thấy góc đẹp nhất của tháp là những vòm cửa giả, các mô típ hoa văn đều được tạo trực tiếp lên gạch với hình dáng, tỉ lệ cân đối. Tháp được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1993.

5. Tháp Phú Lốc (tháp Vàng)

Tháp Phú Lốc nằm chênh vênh giữa một đồi cao ở xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn. Đứng dưới chân tháp, bạn có thể nhìn thấy cả vùng đồng bằng rộng lớn của hai huyện An Nhơn và Phù Cát.

Tháp Phú Lốc

“Viên ngọc cô đơn” giữa ngọn đồi cao ở xã Nhơn Thành

Ngọn tháp cổ kính có kiến trúc rất đơn giản: cột đá được ốp xung quanh tháp, phần trang trí chủ yếu thể hiện ở trên các cửa giả, bao quanh trên vòm mỗi cửa là các bức phù điêu. Tháp được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995.

Địa Điểm Du Lịch tổng hợp/ Theo Vnexpress

Comments are closed.