Những cổ trấn đẹp như tranh vẽ ở Trung Quốc

0
(ĐĐDL Tổng Hợp) – Trung Quốc từ lâu hút hồn du khách với khung cảnh tráng lệ của cung đình qua phim dã sử hay những cảnh vật hoang sơ trong phim cổ trang. Vẻ đẹp đích thực của những cổ trấn sẽ còn khiến du khách kinh ngạc hơn khi một lần đặt chân đến đất nước này.
Xem thêm

Zhou Zhuang – “Thành Venice của Đông Phương”

Zhou Zhuang (Châu Trang) là thị trấn được người Trung Hoa ưu ái gọi là  “Thành phố nước đệ nhất” còn với du khách gần xa thì họ gọi nơi đây là “Thành Venice của Đông Phương”. Đây là thị trấn ra đời sớm và tiêu biểu nhất của Giang Nam (tỉnh Giang Tô – Trung Quốc).

Zhou Zhuang

Vẻ đẹp như tranh của “Thành Venice Đông Phương”

Thị trấn nhỏ nằm cách Thượng Hải khoảng 1 giờ xe chạy về phía tây có dân số chỉ khoảng 20.000 người. Thị trấn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách bởi những cây cầu đá cong cong với những chi tiết chạm trổ sinh động vắt ngang những dòng kênh, những ngôi nhà cổ rêu phong tường trắng mái đen, những “đèn lồng đỏ treo cao”, và nhất là những con thuyền gỗ nhẹ trôi trên làn nước trong xanh dưới nhịp chèo khoan thai của các cô nàng mặc áo bông xanh, vừa chèo vừa cất tiếng hát lanh lảnh…

Đô thị cổ Lệ Giang tại tỉnh Vân Nam

Đô thị cổ Lệ Giang nằm trên độ cao 2.400 m, trên cao nguyên Vân Quý, cách Côn Minh hơn 500 km và có diện tích 3,8 km² còn được gọi là Đại Nghiên cổ trấn. Đô thị cổ Lệ Giang có lịch sử lâu đời hơn 800 năm. Lệ Giang được xây vào cuối đời Tống, đầu đời Nguyên. Trước cửa các ngôi nhà trong trấn đều trồng dương liễu và có suối nước chảy qua rất lãng mạn.

Đô thị cổ Lệ Giang

Ngôi nhà cổ ở trấn Lệ Giang

Cổ trấn của Trung Quốc không có tường thành, nổi tiếng về hệ thống đường thủy và cầu cống, nên còn được gọi là “Venezia của phương Đông”. Lệ Giang có 354 chiếc cầu (bình quân cứ 1 km² có 93 cầu) bắc trên hệ thống sông Ngọc Hà trong nội thành. Những cây cầu được nhắc đến nhiều: Nam Môn, Đại Thạch, Mã Yên, Nhân Thọ, được xây vào đời Minh và Thanh.

Thành phố cổ Bình Dao – pháo đài 2.700 tuổi

Bình Dao nổi tiếng với các bức tường cổ được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thánh phố nằm cách Bắc Kinh khoảng 450 km, là một thành phố cổ của Trung Quốc thuộc tỉnh Sơn Tây. Trong thời nhà Thanh, nơi đây là một trung tâm tài chính của Trung Quốc.

Thành phố cổ Bình Dao

Bức tường cổ ở Bình Dao được UNESCO công nhận là di sản thế giới

Bình Dao còn là đô thị cổ còn nguyên vẹn nhất trong số 2.000 đô thị còn tồn tại có tường dày bao quanh ở Trung Hoa cổ xưa. Được xây dựng cách đây 2.700 năm như một pháo đài, Bình Dao vẫn còn giữ nguyên vẹn phần lớn kiến trúc của nó cho đến ngày nay.

Phố cổ Bình Dao là điển hình của một đô thị Hán thuộc các triều đại Minh-Thanh còn giữ được những nét đặc trưng riêng biệt và điều đó đã cung cấp một bức tranh về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa tôn giáo của một trong những thời kỳ có ảnh hưởng nhất của lịch sử Trung Quốc.

Thôn Tây Đệ – một góc nhỏ cổ kính yên bình của tỉnh An Huy

Vào năm 2000, khu di tích thôn cổ Nam bộ An Huy, tiêu biểu là Tây Đệ và Hoành Thôn đã được UNESCO ghi nhận là “Di sản văn hóa thế giới”. Cổ trấn nằm tại huyện Y, thành phố Hoàng Sơn, phía Nam tỉnh An Huy Trung Quốc còn giữ lại mọi dấu ấn của làng quê Trung Quốc: cầu cổ, đường cổ, bia cổ, thư viện cổ, các pho tượng bằng đất và rất nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá và gỗ.

Thôn Tây Đệ

Dấu ấn của làng quê Trung Quốc còn vẹn nguyên ở thôn Tây Đệ

Bốn bề thôn Tây Đệ đều giáp núi. Nước trong thôn trong xanh, cây cối um tùm, tường nhà màu trắng, ngói màu đen. Các ngôi nhà cổ trong làng đều có giếng trời, bốn xung quanh có tường bao bọc, không khí vào trong nhà theo giếng trời, xung quanh tường không có cửa sổ, nếu có thì cũng rất nhỏ và ở trên cao. Tường và mái của các giếng trời đều nghiêng vào trong mảnh đất để nước mưa chảy vào trong, ngụ ý nước non phì nhiêu không chảy ra ngoài.

Địa Điểm Du Lịch Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ/ Theo Tuổi Trẻ

Comments are closed.