Về Phú Yên ngắm tiên cảnh ẩn mình giữa miền Trung nắng gió

0
(ĐĐDL Tổng Hợp) – Vùng đất Phú Yên trù phú, nằm ẩn mình giữa miền Trung Việt Nam đầy nắng và gió sở hữu nhiều phong cảnh hữu tình hút hồn du khách gần xa.
Xem thêm

Ghềnh Đá Dĩa

Ghềnh Đá Dĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An của tỉnh Phú Yên. Từ thành phố Tuy Hòa theo Quốc lộ 1A về hướng Bắc khoảng 30 km, đến thị trấn Chí Thạnh rẽ phải về phía Đông khoảng 12 km là đến ghềnh Đá Đĩa. Bạn cũng có thể đi theo tuyến đường ven biển từ Tuy Hòa đến ghềnh Đá Dĩa dài khoảng 35 km.

Ghềnh Đá Dĩa nhìn từ xa giống như một tổ ong thiên tạo khổng lồ. Sự kì diệu của tạo hóa đã tạo nên một Ghềnh Đá Dĩa có hình thù hết sức lạ thường. Một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Những hòn đá có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát dĩa rất thú vị. Ghềnh Đá Dĩa tuy còn hoang sơ nhưng ấn tượng với tạo hình thú vị của thiên nhiên sẽ là một trong những điểm du lịch đáng đến của tỉnh Phú Yên.

Ghềnh Đá Dĩa

Ghềnh Đá Dĩa ở Phú Yên với hình thù lạ thường rất thú vị

Biển Long Thủy

Biển Long Thủy cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 10km đường ô tô, đi về phía Bắc, nằm kề quốc lộ 1A, thuộc địa phận của Xã Phú An, thành phố Tuy Hòa. Bãi cát mịn trải dài với những rặng dừa soi bóng, nước biển xanh thắm một màu khiến Long Thủy trở thành điểm đến lý tưởng ở Phú yên dành cho những người yêu biển đến dạo chơi, ngắm hoàng hôn và thưởng thức các loại hải sản tươi sống.

Biển Long Thủy

Biển Long Thủy xinh đẹp

Mũi Đại Lãnh

Mũi Đại Lãnh do một tướng người Pháp tên Varella phát hiện ra, vì thế mà trước đây, người ta gọi nơi đây là Cap Varella. Mũi Đại Lãnh còn được gọi với nhiều cái tên khác như: Mũi Nạy, Mũi Điện, Mũi Ba.Một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển này được công nhận là cực đông của Việt Nam.

Mũi Đại Lãnh

Hoàng hôn buông ở Mũi Đại Lãnh

Ngày nay, Mũi Đại Lãnh có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng, và có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực.

Núi Đá Bia

Trên Núi Đá Bia đặt tảng đá khổng lồ cao khoảng 80m, dù đứng cách xa nhưng bạn vẫn dể dàng nhìn thấy bia đá.Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chămpa, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt (Việt Nam ngày nay) tại nơi này. Cũng từ đó mà núi có tên gọi là núi Đá Bia.

Núi Đá Bia

Bia đá khổng lồ trên ngọn núi ở Phú Yên

Đèo Cả

Đèo Cả nổi tiếng là một trong những đèo lớn và hiểm trở tại miền Trung Việt Nam. Cái tên “Đèo Cả” xuất hiện từ khi Pháp xây Quốc lộ 1A. Thời tiết mưa và nhiều mây trên đèo Cả đã tạo nên một thảm thực vật rất đặt biệt. Thời gian trước, đèo Cả là nơi sản xuất trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Ngày nay, nơi đây vẫn còn nhiều cây quý như: kiền kiền, thị, cẩm, sao, chò, dầu, và đát. Đặc biệt, cây đát được dùng trong món chè trái cây nổi tiếng ở Nha Trang.

Đèo Cả

Đèo Cả hiểm trở là nơi có nhiều loại cây quý

Đập Đồng Cam

Đập Đồng Cam dài 688 mét với hơn 2500 hạng mục lớn nhỏ là công trình thủy lợi lớn nhất tại tỉnh Phú Yên, Việt Nam. Công trình thủy lợi quy mô này do kỹ sư người Pháp thiết kế với công sức của hàng vạn lao phu, công nhân địa phương và cả xương máu của hơn 50 người dân Phú Yên.

Đập nằm phía tây huyện Phú Hòa, có hai kênh dẫn nước là kênh Chính Bắc và Nam tưới tiêu cho cả vùng lúa Tuy Hòa rộng 220 km². Đập Đồng Cam là công trình vừa có giá trị thẩm mỹ với cảnh quan tươi đẹp và kiến trúc độc đáo, vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, lịch sử.

Đập Đồng Cam

Một góc đập Đồng Cam

Mùng 8 Tết Nguyên Đán hằng năm tại đập Đồng Cam sẽ diễn ra lễ hội tri ân những người đã xây dựng nên đập, thu hút rất đông du khách gần xa đến tham quan, du ngoạn.

Địa Điểm Du Lịch Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ

Leave A Reply