Có “vườn địa đàng” giữa Himalaya

0
(ĐĐDL Tổng Hợp) – Ai ngờ đâu “nóc nhà thế giới” Himalaya là nơi sinh sôi của rất nhiều loài hoa nở tự nhiên, mang vẻ đẹp rực rỡ, nguyên sơ như vườn địa đàng.

Thung lũng hoa này thuộc vườn quốc gia ở phía Tây khu bảo tồn Nanda Devi, bang Uttarakhand ở miền Bắc Ấn Độ. Vào năm 1931, thung lũng này được hai  nhà leo núi người Anh Frank S. Smythe và RL Holdsworth phát hiện ra. Họ bị choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy của hoa nên đã gọi nó là “Valley of Flowers” (Thung lũng hoa). Cũng từ thời điểm đó, “khu vườn địa đàng” này được rộng mở với thế gian.

7-34db2

Hoa làm dịu đi nét góc cạnh của núi cao hiểm trở

Các nhà thực vật học đến đây hằng năm để nghiên cứu về sức dẻo dai để chống chọi lại khí hậu khắc nghiệt của các loài hoa ở đây. Theo thống kê nghiên cứu năm 1993 của Chandra Prakash Kala, một nhà thực vật học của Viện bảo tồn động thực vật hoang dã Ấn Độ, có khoảng 520 loài thực vật núi cao trong đó có 498 loài có hoa ở nơi đây.

1-34db2

Càng lên cao sắc hoa càng rực rỡ để thu hút các loài ong bướm đến thụ phấn

Thung lũng hoa Uttarakhand nằm ở độ cao từ 3200m tới 6675m, trải dài trên nền diện tích 87.5 km2, là một trong những vùng dự trữ sinh quyển của Nanda Devi.

Nổi bật nhất trong thung lũng hoa này là những đồng cỏ sinh thái (cỏ chân ngỗng là chủ yếu), những loài hoa núi cao như: Cúc vạn thọ, anh túc, Brahma kamal, Poppy Blue Himalayan, Lily Cobra (cây rắn hổ mang, một loại cây bắt mồi)…, các loài cây lấy thuốc quý và nhiều loài hoa khác đang bị đe dọa mà không một nơi nào khác có. Rừng ở đây là những khu rừng nhỏ, chủ yếu là bạch dương và đỗ quyên.

6-34db2

Thảm hoa nhuộm màu rực rỡ cho triền núi

Nơi đây mở cửa cho du khách  từ tháng 4 tới tháng 10. Trong khoảng tháng 7-tháng 8, khi ánh nắng xuất hiện sưởi ấm, làm rực lên sức sống các loài hoa mới là thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm nơi này. Trong khoảng thời gian mùa đông, thung lũng hoa Himalaya chìm trong sương tuyết, thảm thực vật phát triển chậm lại và gần như dừng hoàn toàn.

Ngoài hoa cỏ xinh đẹp, nơi đây còn là “nhà chung” của nhiều động vật, côn trùng, trong đó xuất hiện nhiều giống quý như chim trĩ, đại bàng vàng Himalaya, cừu xanh, sơn dương, gấu đen châu Á, cáo đỏ, báo tuyết và nhiều giống bướm.

images833382_thung_l_ng_hoa_2images833382_thung_l_ng_hoa_2

Hoa mọc xen lẫn mây mù tựa chốn thiên thai

Thung lũng hoa Himalaya thật sự là một minh chứng cho sức sống mãnh liệt bất chấp sự tác động khắc nghiệt của không gian.

Ngọc Thùy Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ/theo Dân Trí

Leave A Reply