“Giật mình” đặc sản xứ Thanh

0
(ĐĐDL Tổng Hợp) – Sau đây là những đặc sản Thanh Hóa của khu vực vùng cao mà người dân Thái, Mường vùng Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc… ưu ái dành riêng cho những vị khách quý ghé chơi nhà.

Sâu măng xào

sâu xào măng

Sâu măng xào là một món ăn ngon vùng cao xứ Thanh. Vào mùa mưa lạnh cuối năm, người Mường ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa thường vào rừng tìm những cây măng héo ngọn để bắt sâu về làm thức ăn. Sâu măng to như cọng rau muống, màu trắng sữa, dài độ 2 đốt ngón tay.

Qua bàn tay khéo léo và sáng tạo của người dân vùng cao, sâu măng được chế biến thành nhiều món như sâu măng om, chiên giòn, luộc… Nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là sâu măng xào.

Sâu đem rửa sạch, ướp tiêu muối rồi cho vào chảo, đảo nhanh tay, lúc gần được cho thêm lá chanh thái chỉ vào là đã có ngay món ngon Thanh Hóa mà lại sạch, giàu dinh dưỡng.  Đĩa sâu măng vàng tươi, có mùi thơm rất hấp dẫn, nhưng không phải ai cũng can đảm để đưa lên miệng thử. Tuy nhiên, khi mạnh dạn thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được vị ngậy ngậy, ngọt bùi, thơm thơm rất riêng của loại côn trùng này.

Nòng nọc om

nòng nọc om măng

Những con nòng nọc từ loài ếch đá ở rừng vào các tháng mùa mưa thường béo tròn, to bằng ngón tay. Vào mùa sinh sản của chúng, người dân thường vào rừng tìm bắt.

Nòng nọc bắt về được chế biến thành nhiều món khác nhau như chả, chiên, xào, nấu, nướng, kho…  Được yêu thích nhất phải kể đến nòng nọc om măng – một đặc sản vùng cao Thanh Hóa.

Nhìn những chú nòng nọc to béo khác thường sẽ có cảm giác hơi ghê! Nhưng khi can đảm nếm thử một chú nòng nọc đang nghi ngút khói, bạn sẽ cảm thấy vị mềm ngọt, xen lẫn vị đắng nhẹ của măng rừng và nước dùng béo ngậy, đậm đà.

Canh lá đắng

canh lá đắng

Cây đắng là loại cây sẵn có trong vườn nhà của người Mường ở Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Tuy cây có vị đắng tê người nhưng đây được người dân xem như thứ rau nấu canh hằng ngày.

Nấu món ngon xứ Thanh này rất đơn giản. Nguyên liệu được chọn để nấu cùng có thể là thịt gà, lòng gà rừng, cá rô, thịt lợn… Sau khi được sơ chế sạch, đem ướp gia vị cho ngấm rồi xào qua trước, sau đó cho nước vào đun sôi. Bát canh đắng không thể thiếu tiết để tạo màu và tăng độ ngọt. Khi nồi canh đã sôi kỹ người ta mới cho lá đắng thái chỉ vào sau cùng và bắc ra ăn nóng.

Những người thưởng thức lần đầu sẽ phải rùng mình, thụt lưỡi vì chưa bao giờ ăn phải một món ăn nào đắng ngắt đến như vậy. Tuy nhiên, khi vị đắng ấy qua đi, dư vị sót lại nơi đầu lưỡi làm cho người ta thấy món ăn thật thú vị. Và khi đã “quen miệng” với vị đắng ấy rồi, dám chắc bạn sẽ còn muốn ăn thêm nhiều lần nữa đấy.

Ảnh: Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ.

Leave A Reply