5 bản làng không thể bỏ qua khi du lịch Sapa

0
(ĐĐDL Tổng Hợp) – Nét đặc trưng riêng biệt ở Sapa là sự tập trung đông đảo của nhiều dân tộc khác nhau trong một không gian không mấy rộng lớn. Du khách không thể bỏ qua trải nghiệm khám phá 5 bản làng dưới đây khi đến Sapa.

1.Bản Tả Phìn

Khi đến bản Tả Phìn, điểm dừng chân đầu tiên mà du khách không thể bỏ qua là thăm quan tu viện. Tu viện được xây theo kiến trúc phương Tây từ cuối thế kỷ 19, công trình kiến trúc cổ độc đáo này đến nay vẫn giữ nguyên dáng vẻ cổ kính rêu phong. Nhìn về phía Đông Nam, đối diện tu viện là núi Hàm Rồng có vẻ đẹp kỳ vĩ nằm trên địa thế uy nghi với các dãy đá nhấp nhô, mang nhiều hình thù khác nhau, nổi lên là vóc dáng con Rồng khổng lồ đang vươn mình, đầu ngẩng cao bao quát cả một vùng Sapa.

Núi Hàm-Rồng

Núi Hàm Rồng với vẻ đẹp kỳ vĩ trên bản Tả Phìn

Sau khi rời tu viện, trên con đường trải nhựa du khách sẽ được tới thăm câu lạc bộ thổ cẩm của đồng bào Mông, Dao ở Sapa. Đến đây du khách sẽ được thoả sức ngắm nhìn những sắc màu rực rỡ trên bộ trang phục truyền thống của người Mông, người Dao đỏ.

Cùng với câu lạc bộ thổ cẩm, sản phẩm thuốc tắm bản địa cũng đang được khôi phục và phát triển. Hiện nay, tại bản Tả Phìn có 18 hộ gia đình người Dao góp vốn thành lập công ty cổ phần chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc tắm bản địa. Ngoài ra, họ còn xây dựng các phòng tắm phục vụ nhu cầu du khách tắm thùng tại chỗ.

2.Bản Cát Cát

Bản Cát Cát cách trung tâm thị xã Sapa chỉ 2 km. Nơi đây là bản lâu đời của người Mông còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng hoa, lanh dệt vải và chế tác đồ trang sức. Nét đặc trưng của bản Cát Cát là vẫn còn giữ được khá nhiều phong tục độc đáo mà ở các vùng khác không có, hoặc không còn tồn tại nguyên gốc.

Qua những khung dệt, người Mông tạo nên những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc và hoa văn độc đáo mô phỏng cây cỏ, hoa lá, chim muông… Gắn liền với công đoạn dệt vải bông, vải lanh là khâu nhuộm và in thêu hoa văn, phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm, nhuộm nước tro thảo mộc và cây lá rừng. Vải nhuộm xong được đánh bóng bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong.

thổ cẩm

Tấm thổ cẩm tinh tế, đầy công phu của đồng bào người Mông

3.Bản Tả Van Giáy

Đường đất vào thôn Tả Van Giáy khá nhỏ, hẹp, men theo quốc lộ 4D đi về hướng Đông Nam, cách thị trấn Sapa khoảng 8 km. Đến đây, du khách sẽ có dịp được tìm hiểu thêm về phong cách, lối sống của người Giáy. Hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang màu mỡ được tô điểm bởi màu xanh của ngô và lúa non.

thôn Tả Van Giáy

Con đường xinh đẹp dẫn vào thôn Tả Van Giáy

Trang phục của người Giáy rất đơn giản: nữ giới mặc quần chàm ngắn đến mắt cá chân, ống rộng; tóc vấn theo kiểu vành khăn và thường đeo túi vải có thêu hoa văn; nam giới thì mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, cài cúc vải, quần ống đứng và đầu vấn khăn. Người Giáy có nền văn hóa khá phong phú với những truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, câu đố, đồng dao….

Người Giáy có nghề chính là trồng lúa nước. Ngoài ra, họ còn tự rèn được dụng cụ sản xuất và chạm khắc bạc. Họ ở cả nhà sàn và nhà đất với gian giữa đều là nơi trang nghiêm, đặt bàn thờ tổ tiên và tiếp khách.

4.Bản Sín Chải

Bản Sín Chải, xã San Sả Hồ, cách trung tâm thị trấn Sapa chừng hơn 4km đường bộ, một bản làng còn lại của Sapa vẫn còn giữ được nét hoang sơ nguyên gốc. Đây là bản của người Mông đen với dân số khoảng 1400 người. Ngoài việc trồng lúa nương và ngô lai, dân bản Sín Chải còn chọn những dông núi thoai thoải để trồng thêm thảo quả, một nguồn thu nhập không nhỏ giữa thung lũng cổ này.

Bản Sín Chải

Bản Sín Chải – bản làng còn lại của Sapa vẫn còn giữ được nét hoang sơ nguyên gốc

Sín Chải là một trong bảy bản của xã Tả Giàng Phình, nằm ở địa đầu vùng cực Bắc của huyện Sa Pa. Trong 127 gia đình người Mông với 624 nhân khẩu thì có khá nhiều người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Đến đây, du khách thường tò mò về bí quyết trường thọ của dân bản, nhất là vì sao phụ nữ ở đây sống thọ hơn nam giới nhưng người dân ở đây chỉ biết giải thích do gien di truyền, nguồn nước tinh khiết, khí hậu trong lành, rau quả không bị nhiễm hóa chất nhờ sống giữa thiên nhiên bao bọc quanh năm.

5.Bản Hồ

Thời tiết ở bản Hồ ấm áp hơn so với các bản còn lại ở Sapa. Xe cứ chạy trên con đường ngoằn ngoèo uốn lượn, với một bên là núi cao sừng sững một bên là vực thẳm hun hút, cho đến khi trước mắt òa ra một màu vàng pha chút màu nâu đỏ của lá, của cánh rừng quốc gia Hoàng Liên và những thửa ruộng bậc thang cao thấp. Cứ đi thêm chút nữa sẽ gặp một ngôi nhà xây bằng đá bỏ hoang ven đường, cạnh đó là một ngôi nhà sàn phía trước có bày bán thổ cẩm, bánh kẹo, nước giải khát… và có những du khách nước ngoài ngồi nghỉ chân thì biết là đã đến bản Hồ.

Đến Sapa, bạn nhất định phải ghé bản Hồ, hòa vào trong không khí ấm cúng và thân mật khi sinh hoạt cùng gia đình người bản địa. Buổi sáng, bạn sẽ được hướng dẫn tham quan vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi có chủng thực vật, động vật vô cùng phong phú. Vì khí hậu ở bản Hồ ấm hơn những khu vực khác (trung bình từ 18 – 25 độ C) nên buổi trưa từ trong rừng ra du khách đã có thể hòa mình vào dòng suối Lave, ngắm thác Đá Nhảy hùng vĩ, bọt tung trắng xóa.

Homestay

Homestay là một trải nghiệm du lịch khó quên khi đến Sapa

Địa Điểm Du Lịch Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ

Leave A Reply