Làng Kim Long 200 năm nấu rượu trong nồi đồng

0
[ĐĐDL] Một trong những nơi được Pháp tin tưởng  lựa chọn nấu rượu để xuất sang chính đất nước của mình là làng Kim Long ở Quảng Trị. Nơi đây cũng đang dần dần hình thành điểm du lịch giới thiệu nghề truyền thống.

Nghề nấu rượu tại Làng Kim Long thuộc xã Hải Quế (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) ra đời cách đây 200 năm, có tiếng từ những triều đại phong kiến, lưu danh ở thời Pháp thuộc và phát triển đến ngày nay.

ruoukimlong1hj

Cổng vào làng Kim Long

“Rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn hết”. Đây là lời nhận xét  ở quyển thứ tám mục Thổ sản theo Đại Nam nhất thống chí được biên soạn thời vua Tự Đức. Điều này đã góp thêm phần  trang trọng và mang tiếng thơm về vị trí một thời vang bóng của rượu Kim Long.

Đến thời Pháp thuộc, sau khi khảo sát nhiều làng nấu rượu ở miền Trung, người Pháp chọn vùng Kim Long, chiếm hết các lò nấu rượu và lập công ty rượu Xika. Rượu nấu ra được đóng vào chai, ngâm hồ nước lạnh, sau đó lên tàu lớn sang Pháp và từ đó xuất cảng khắp thế giới.

Kế thừa tiếng thơm trong lịch sử, ngày nay người Kim Long lưu giữ cách nấu rượu truyền thống. Sau 5 ngày đêm ngâm ủ liên tục, 3kg gạo cho ra một lít rượu. Để góp phần phát triển làng nghề  vài năm trở lại đây, người Kim Long canh tác thêm loại gạo đỏ, gạo thảo dược để nấu rượu. Hiện tại, rượu Kim Long thành phẩm có 4 loại, gồm rượu gạo, rượu nếp, rượu đỏ, rượu thảo dược, nồng độ khoảng 45%.

kim longa2-1425015001_660x0

“Thuỷ thượng” chính là phương thức đặc biệt được sử dụng để nấu nên rượu Kim Long

Rượu được nấu theo phương thức “thủy thượng”. Cơm rượu chứa trong nồi đồng, lửa đun làm hơi rượu bốc lên, gặp nước lạnh ở lao gỗ ngưng tụ thành rượu. Quá trình chưng cất phải đảm bảo lửa đều, sức nóng vào nồi đồng đều đặn. Người Kim Long lựa chọn cây phi lao, loài cây mọc trên cát có thân chắc, cháy liu riu làm chất đốt nấu rượu.

Một điều làm nên hương vị đặc biệt của rượu nơi đây chính là việc nồi đồng được chọn để nấu rượu. Theo các bô lão, việc này giúp rượu giữ vị nồng cay đặc trưng. Ngày nay, nồi đồng trở nên đắt đỏ và khan hiếm nên nồi bằng các chất liệu khác mới được lựa chọn. Phía trên lao gỗ làm ngưng tụ rượu cũng được chế tạo riêng biệt.

Có lẽ nước, khí hậu, gạo cộng với phương thức nấu truyền thống độc đáo giúp rượu Kim Long giữ được hương vị thơm nồng nức tiếng nên nhiều làng khác học cách nấu nhưng đều không thành công.

Địa Điểm Du Lịch Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ

Leave A Reply