Điểm mặt chỉ tên thói xấu của người Việt khi đi du lịch

0

(ĐĐDL Tổng Hợp) – Trong buổi tọa đàm nâng cao hình ảnh du lịch Việt do Hiệp hội Du lịch tổ chức, Giám đốc một công ty du lịch đã liệt kê những thói quen đáng xấu hổ của người Việt khi đi du lịch.

Xem thêm

Theo số liệu thống kê, trong năm 2015, số người Việt du lịch trong nước là 45 triệu người và du lịch nước ngoài là 6 triệu người. Một số cá biệt đi du lịch theo kiểu tự do, thiếu sự tư vấn và hướng dẫn nên vẫn cư xử tự nhiên như ở nhà. Điều này đã phần nào làm xấu hình ảnh người Việt trong mắt mọi người, nhất là đối với người nước ngoài. Nhiều người còn nặng nề gọi hành động này đã “Làm nhục quốc thể”. Hãy cùng điểm danh những thói xấu của người Việt khi đi du lịch và rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình.

 Trang phục

Nhiều người Việt rất vô tư mặc đồ bộ, đồ ngủ ra đường đi chợ, đi dạo, ra bãi biển, thậm chí cứ thế mà nhảy xuống hồ bơi. Bên cạnh đó, không ít người ăn mặc quá mát mẻ hoặc diêm dúa cũng đánh mất cảm tình với người đối diện.

Trang phục

Trang phục xuề xòa, mát mẻ là hạn chế lớn của người Việt khi đi du lịch

Ngôn ngữ

Khắp nơi từ khu vực lễ tân khách sạn, nhà hàng đến chỗ tham quan, nơi nào cũng rôm rả tiếng nói của người Việt nghe điện thoại hoặc trò chuyện cùng nhau. Nhiều bạn trẻ còn thản nhiên chửi thề, dễ làm người nghe ngộ nhận đó là văn hóa giao tiếp hiện đại. Nhiều du khách nước ngoài cho biết họ cảm thấy không gian yên tĩnh riêng tư bị chiếm đoạt bởi các du khách Trung Quốc, Nga hoặc Việt quá ồn ào.

Tác phong

Nếu bạn để ý sẽ thấy trong thư mời của Việt Nam luôn có đề nghị “Tham dự đúng giờ!”. Thói quen sử dụng “giờ dây thun” của người Việt gây nên không ít phiền hà, khó chịu cho người khác, đặc biệt là các đối tác hoặc các đoàn famtrip quốc tế vì bắt cả đoàn phải chờ đợi hoặc chương trình bị đảo lộn. Không chỉ trễ giờ đi ô tô mà du khách Việt Nam còn thản nhiên trễ cả giờ đi bus, đi tàu lửa. Tình trạng chen lấn, giành chỗ ngồi khi lên xe, khi ăn buffet hay điểm tham quan cũng làm mất điểm người Việt trong mắt du khách.

Tham quan

Một số người Việt xem mình như lập được chiến tích khi trốn vé tàu, vé tham quan mà không bị ai phát hiện. Mặc cho tấm bảng cấm chụp hình ngay trước mắt, vì để có những bức ảnh selfie đẹp, người Việt sẵn sàng trèo lên tượng, giẫm lên cỏ, thậm chí hái hoa để làm đạo cụ.

Giẫm lên cỏ

Trốn vé hay giẫm lên hoa, trèo lên tượng là thói quen xấu của nhiều người Việt

 Nhiều người cảm thấy rất phiền hà mỗi khi người hướng dẫn thuyết minh về lịch sử, văn hóa nơi họ đặt chân đến, họ chỉ chăm chăm việc thấy gì lạ là mua lấy mua để nên rất dễ bị người bán hàng lừa gạt. Nhiều du khách Việt có tâm lý thấy quán ăn đông khách thì vào ăn, không cần xem giá nhưng đi tour chỉ cần rẻ hơn vài phần trăm là mừng ra mặt, chọn ngay không cần hỏi kĩ dịch vụ nên thường xuyên bị lừa.

Ăn uống

Thói quen xấu khi ăn uống của người Việt phải nói là vô vàn. Phổ biến nhất là hành động ăn ngấu nghiến, dùng tay lấy thức ăn hay khi ăn xong cứ vô tư ngậm tăm. Nhiều người hay“quên”: dùng đũa, muỗng riêng để lấy thức ăn chung, cứ ăn vài ba miếng lại cầm cốc bia “Zô, 100%” rất ồn ào.

Việc ăn buffet của người Việt rất nhiều lần bị phản ánh bởi việc có người cố ý lấy thừa thức ăn, vừa ăn vừa chen ngang những người khác,… Những nhắc nhở vô ích của các nhà hàng ở Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản,… khiến họ treo luôn bảng cảnh báo và mức phạt riêng bằng Việt.

Nhật Bản

Bảng nhắc nhở bằng tiếng Việt ở Nhật Bản

Giữ vệ sinh

Xả rác và khạc nhổ là thói quen xấu khiến nhiều người Việt khi du lịch nước ngoài đã bị xử phạt. Mặc dù nhiều nước văn minh có quy định xử phạt rất nghiêm với tình trạng này nhưng người Việt vẫn chứng nào tật nấy.

Đạo đức

Tham lam, thích cầm nhầm đồ của người khác cũng là nỗi ám ảnh của nhiều nước có du khách Việt. Tuy tình trạng này ngày càng ít xảy ra nhưng các cửa hàng vẫn đề cao cảnh giác mỗi khi có du khách Việt xuất hiện.

Trộm cắp

Trộm cắp là nỗi ám ảnh của nhiều nước có du khách Việt

Xuất khẩu tệ nạn và lao động chui

Nhiều người Việt lợi dụng sơ hở của chính sách thông thoáng du lịch để trộm cướp, buôn lậu, mại dâm hay trốn lại, cư ngụ bất hợp pháp. Thụy Sĩ và Nhật Bản không ngại công khai danh tính người Việt trộm cắp. Singapore liên tục từ chối du khách Việt nhập cảnh. Nga chỉ cấp visa cho du khách Việt đúng số ngày tour du lịch. Và Thái Lan từng đưa Việt Nam vào danh sách các nước nhập cảnh có điều kiện, thậm chí treo bảng tại các cửa khẩu đường bộ từ Campuchia và Lào vào đất nước này.

Địa Điểm Du Lịch Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ/ Theo Dân Trí

Comments are closed.