“Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn” ở Chiết Giang

0

(ĐĐDL Tổng Hợp) – Ngôi làng Bát Quái Gia Cát ở Chiết Giang được mệnh danh là “Trung Quốc đệ nhất kỳ thôn” bởi kết cấu ngôi làng giống như một trận đồ bát quái, vào dễ nhưng ra thì khó.

Xem thêm

 Cấu trúc tuyệt vời

Những ngôi nhà ở Bát Quái Gia Cát đều được xây dựng theo hướng đối mặt và dựa lưng vào nhau, bạn sẽ có cảm tưởng như đang đi trong mê cung huyền bí với các ngõ ngách đan xen chằng chịt nhau. Tương truyền xưa kia, Gia Cát Đại Sư (cháu trai đời thứ 28 của Gia Cát Lượng) quyết định chọn Cao Long làm nơi an cư lạc nghiệp. Với trí óc tinh tế cùng kiến thức phong thủy học được, ông nghĩ ra thiết kế cầu kì và tuyệt xảo cho ngôi làng dựa vào cửu cung bát quái. Theo đó, ngôi làng lấy hồ Chung Trì làm trung tâm, tám con ngõ nhỏ hướng ra ngoài về tám hướng tạo thành bát quái.

Bát Quái Gia Cát

Bát Quái Gia Cát được xây dựng theo mô hình cửu cung bát quái

Một điều đặc biệt trong ngôi làng là xung quanh có 8 ngọn núi nhỏ, tạo nên một vòng bát quái lớn bao quanh vòng bát quái bên trong. Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, dân số trong làng ngày một tăng, nhà cửa có phần chen chút hơn tuy nhiên cấu trúc ở đây dường như không hề thay đổi.

Bát Quái Gia Cát 2

Kiến trúc đặc sắc vẫn bền bĩ với thời gian

Phòng tuyến vững chắc

Những cư dân lớn tuổi trong làng kể lại rằng, ngoài kiến trúc độc đáo thì ngôi làng đặc biệt ở Chiết Giang còn là một phòng tuyến vững chắc.

Vào thời kỳ chiến tranh bắc phạt năm 1925, quân đội của Tiêu Kính Quang và Tôn Truyền Phương đánh nhau ác liệt liên tục suốt ba ngày đêm ở gần thôn Bát Quái. Thế nhưng điều kỳ lạ là cả ngôi làng đều được bình yên vì không một viên đạn nào có thể lọt vào.

Bát Quái Gia Cát 3

Ngôi làng Bát Quái Gia Cát còn là một phòng tuyến vững chắc

Quân đội Nhật từng càn quét qua ngọn đồi Cao Long bên ngoài thôn nhưng ngôi làng vẫn không bị tổn thất một chút nào bởi quân Nhật không phát hiện thấy ngôi làng. Một câu chuyện khác còn ly kỳ hơn. Người dân kể lại rằng từng có một nhóm đạo tặc xông vào làng tấn công nhưng kết quả cuối cùng là thất bại thảm hại do vào làng thì dễ nhưng không tài nào tìm thấy đường ra.

Phong tục độc đáo

Bát Quái Gia Cát là nơi tập trung sinh sống của các hậu thế của Khổng Minh Gia Cát Lượng. Cư dân trong làng vẫn duy trì lối sống độc đáo tách biệt với thế giới bên ngoài. Mọi ngôi nhà ở đây đều tuân theo quy tắc không xây dối diện nhau. Chúng sẽ được xây đan xen so le theo lối “môn không đăng, hộ không đối”. Điều này được lý giải bởi theo quan niệm của người dân làng Bát Quái, nếu hai nhà “cổng đối cổng”, ngày ngày mọi người trong gia đình ra vào, qua lại nhiều quá sẽ dễ dẫn đến mâu thuẫn không đáng có.

Bát Quái Gia Cát 4

Dân làng áp dụng những quy tắc độc nhất vô nhị cho cuộc sống của mình

Ngoài tuân theo quy tắc trên thì Gia Cát trấn sẽ xây nhà theo phương thức tứ hợp viện để xây dựng nhà cửa, tức là bốn mặt nhà đóng kín, chỉ để ở giữa một khoảng sân lớn. Mặt trước của ngôi nhà thường cao hơn các mặt khác, mỗi khi trời mưa nước tập trung hết ở khoảng sân ở giữa. Dân làng quan niệm rằng điều này sẽ mang đến may mắn, thịnh vượng cho gia đình theo quan niệm “phì thủy bất ngoại lưu” (dòng nước trong lành, tươi tốt không chảy ra ngoài).

Bát Quái Gia Cát 5

Không gian nghệ thuật đặc sắc trong “kỳ thôn”

Hiếm có nơi nào trên thế giới lại có cấu trúc độc đáo như “kỳ thôn” Bát Quái Chu Cát của Trung Quốc. Khi vi vu khám phá ngôi làng, bạn sẽ được đắm chìm vào không gian nghệ thuật đặc sắc từ vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên kết hợp với bàn tay khối óc không giới hạn của con người. Những bức điêu khắc gỗ cùng hội họa đặc trưng ở đây cũng xứng đáng để bạn bỏ ra hàng giờ lang thang khám phá khắp ngõ hẻm.

Địa Điểm Du Lịch Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ/ Theo Vnexpress

Comments are closed.