Xuân về Lào Cai vui lễ Gầu Tào

0
(ĐĐDL Tổng Hợp) – Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2012.

Gầu Tào trong tiếng Mông có nghĩa là “địa điểm chơi”. Lễ Gầu Tào được các gia đình người Mông ở Lào Cai tổ chức để cầu khấn thần linh ban con cái, cầu sức khỏe, gia đạo bình an, công việc làm ăn thuận lợi. Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do ba gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau cùng tổ chức khi họ ít con hoặc sinh con một bề hay có người ốm đau, làm ăn không tốt…

images799026_01170023images799026_01170023images799026_01170023

Nam nữ múa hát nhộn nhịp trong ngày hội chính của Lễ Gầu Tào

Như vậy, ứng với ba gia chủ, lễ Gầu Tào cũng được tổ chức trong 3 mùa xuân liền. Khi ấy, người ta trồng 1 cây nêu mỗi năm và treo những vật chúc phúc để các gia chủ hái đem về nhà lấy may mắn.

Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội) cũng là nơi trồng cây nêu phúc, phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời.

qo7t3637

Chủ lễ trao vật chúc phúc lên cây nêu chuẩn bị trước ngày lễ

Theo quan niệm của người Mông, Hấu Tào được xem là phúc mệnh của gia chủ, nên phải quả đồi phải có không gian phía trước hẹp tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.

Để tổ chức lễ Gầu Tào, gia chủ phải mời những người chủ trì có gia cảnh yên ấm, hạnh phúc, kinh tế khá giả bao gồm chủ lễ (Trứ Tào), một người phụ nữ giúp việc (Nẹ Tào), cùng với hai thanh niên giúp chủ lễ là Tú Tào và Sảy Tào.

Lễ Gầu Tào kéo dài trong 3 ngày từ mùng 2 đến mùng 4 Tết Âm lịch. Trước đó, công tác chuẩn bị được thực hiện từ cuối tháng Chạp với hai nghi lễ là chặt tre và dựng nêu.

MK33

Người múa hát, thổi kèn khởi xướng phải là người có gia cảnh bình yên, hạnh phúc để cầu an cho gia chủ

Đầu tiên, ngày hội bắt đầu với nghi lễ cúng bên cây nêu và hát mở màn. Nghi thức này cũng “kén” người: phải là người thạo hát, gia đình khỏe mạnh, kinh tế khá giả khởi xướng. Tiếp đến, tất cả mọi người cùng hòa nhịp trình diễn và thưởng thức các trò chơi, múa khèn, múa võ, múa gậy sinh tiền, hát hội Chù Gầu Tào… và đều được chủ lễ mời rượu.

Cuộc vui kéo dài đến tối với các cuộc hát đối chủ-khách, nam-nữ. Khách phương xa có thể ngủ lại tại nhà của gia chủ để những ngày sau tiếp tục cuộc vui.

Ngày kết thúc hội, chủ lễ tuyên bố lễ hạ cây nêu, rồi cầm ô dẫn đoàn người đi ngược chiều kim đồng hồ xung quanh cây, hát bài “khâu dìn sê” (hạ cây nêu). Cây nêu được hạ xuống và vác vào nhà gia chủ với gốc hướng vào trước. Cuối cùng chủ lễ trao cho gia chủ một tấm vải lanh và gốc cây nêu. Gốc cây dùng để “lát” giường ngủ, dải vải lanh dùng để may quần áo cho đứa trẻ sinh được ra nhờ cầu xin trên đồi Gầu Tào hoặc cho người khỏi bệnh nhờ khấn Gầu Tào.

DSC_0010[1]

Dòng người đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu để kết thúc lễ

Ngày nay, lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông ở Lào Cai đang dần mai một do giới trẻ không còn mặn mà với các hoạt động truyền thống của lễ. Hơn nữa, những người am hiểu về lễ Gầu Tào nay đã cao tuổi và họ chỉ truyền dạy cho con trai trưởng nên đã hạn chế việc truyền cho thế hệ kế tiếp.

Dù vậy, Gầu Tào vẫn là lễ hội lớn nhất và có quy mô cộng đồng duy nhất, gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng người Mông, xứng đáng với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 Ngọc Thùy Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ

Leave A Reply