Kon Tum – Điểm đến hoang sơ và bí ẩn của đại ngàn Tây Nguyên

0

(ĐĐDL Tổng Hợp) – Đường bộ là cách duy nhất tiếp cận Kon Tum nên địa danh này tuy sở hữu nhiều cảnh đẹp nhưng không nhiều du khách biết đến. Nếu muốn đến đại ngàn Tây Nguyên đổi gió, thư giãn thì Kon Tum chính là lựa chọn lý tưởng.

Xem thêm

 Nhà thờ Gỗ

Nằm lọt thỏm giữa rừng núi bạt ngàn, ngôi nhà thờ gỗ hàng trăm tuổi là niềm tự hào của người dân Kon Tum. Mỗi mùa khác nhau, Kon Tum lại khoác lên mình chiếc áo đặc sắc riêng. Bạn có thể đến thăm nhà thờ vào bất kì mùa nào nhưng mùa hoa đậu nở là thời điểm tuyệt nhất. Vào lúc này, dọc hai bên đường đến nhà thờ, những bông hoa lộng lẫy sắc hồng, sắc trắng làm tăng thêm vẻ lãng mạn cho vùng cao nguyên hoang vu.

Nhà thờ Gỗ

Nhà thờ gỗ hàng trăm năm tuổi nép mình giữa đại ngàn

Nhà thờ Kon Tum được làm bằng gỗ cà chít, các bức tường, vách được làm bằng đất trộn rơm. Cả công trình không dùng bê tông cốt thép kể cả vôi vữa để sơn trét. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không trau chuốt và chạm khắc tỉ mĩ nhưng chính những hoa văn với những đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng đã thể hiện được nét văn hóa của đồng bào bản địa Tây Nguyên.

Sông Đắk Bla

Trong lòng mỗi người dân bản địa, sông Đắk Bla chính là biểu tượng của Kon Tum. Xét về mặt lịch sử cũng như địa lý, không có dòng sông này cũng có nghĩa là Kon Tum không tồn tại.

Đắk Bla

Sông Đắk Bla uốn lượn chảy quanh Kon Tum

Dừng chân ở phố núi Kon Tum, bạn sẽ ngỡ ngàng với hình ảnh dòng sông Đắk Bla như một dải lụa mềm uốn lượn, dịu dàng ôm gọn thành phố bé nhỏ. Giữa vùng sông nước mênh mông, những chiếc thuyền độc mộc như chiếc lá rừng lững lờ lướt trên sông tạo nên một bức tranh thiên nhiên sống động.

Đắk Bla.

Đắk Bla hiền hòa

Thác Pa Sỹ

Nằm cách trung tâm huyện Kon Plong 6km về phía Tây Bắc, khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ thuộc địa phận làng Kon Tu Rằng của người Rơ Mâm. Những cánh rừng thông nguyên sinh và hệ thống thác, hồ khiến cho không khí ở đây quanh năm mát mẻ, trong lành.

Thác Pa Sỹ

 Du khách cắm trại dưới chân thác Pa Sỹ

Thác Pa Sỹ nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, tọa lạc ngay trung tâm khu du lịch. Thác được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất ở Măng Đen, nên được gọi là Pau Suh, theo tiếng dân tộc Rơ Mâm có nghĩa là 3 nguồn suối chụm lại thành một dòng. Tiếng địa phương được người dân Kon Tum đọc chệch đi thành Pa Sỹ.

Ngã Ba Đông Dương

Ngã ba Đông Dương là điểm đến nổi tiếng của Kon Tum và cũng là nơi không thể bỏ lỡ khi khám phá vùng đất Tây Nguyên.

Ngã Ba Đông Dương

Đường đến Ngã Ba Đông Dương

Trải nghiệm mà du khách mong chờ nhất là giây phút vượt qua những bậc thang và chạm tay vào cột mốc biên giới ghi danh ba quốc gia Lào – Việt Nam – Campuchia. Cột mốc hình tam giác làm bằng đá hoa cương cao 2 m, nặng gần 900kg, được đặt trên độ cao 1.086 m. Mỗi mặt của tam giác quay về phần lãnh thổ của một quốc gia với hình quốc huy trang trọng.

Ngã Ba Đông Dương.

Cột mốc biên giới của Lào – Việt Nam – Campuchia 

Hành trình chinh phục đỉnh cao và chạm tay vào cột mốc biên giới sẽ trọn vẹn khi bạn dang tay đón gió và phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn bộ vùng ngã ba Đông Dương trù phú, xanh tươi ngút ngàn.

Cầu treo Kon Klor

Cầu treo Kon Klor (2)

Cầu treo bằng sắt to đẹp nhất Tây Nguyên

Cầu treo Kon Klor thuộc địa phận làng Kon Klor, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Thay thế vị trí của những chuyến đò độc mộc bao năm vẫn lặng lẽ đưa người dân đi lại giữa hai bờ sông Đắk Bla, cầu Kon Klor là chiếc cầu treo bằng sắt to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên.

Cầu treo Kon Klor

Bao quanh Kon Klor là những ngọn núi với nương dâu xanh rì

Đến đây, bạn có thể ghé thăm làng dân tộc Bah Nar – Kon Klor, cùng người dân địa phương thưởng thức rượu cần. Bên kia cầu là vùng đất phù sa trù phú chăm chút cho những vườn chuối, vườn cà phê và các loại cây ăn quả. Vượt con đường quanh co khoảng 6km, bạn sẽ đến làng Kon K’tu, một làng dân tộc Bah Nar với cảnh vật thiên nhiên hoang sơ và người dân vẫn còn giữ nguyên nếp sinh hoạt đặc trưng của dân tộc Tây Nguyên.

Địa Điểm Du Lịch tổng hợp/ Theo Tuổi Trẻ

 

Comments are closed.