Lạ và độc tục “cà răng – căng tai” của người Cơ tu

0
(ĐĐDL Tổng Hợp) – Nếu bạn chưa bao giờ nghe tục lệ này thì chắc chắn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng và không hiểu. Tục cà răng- căng tai xuất hiện nhiều ở cùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó tục lệ này xuất hiện nhiều nhất ở người Cơ tu.

Nếu như cụm từ “cà răng – căng tai” trước đây được dùng để quan niệm mang tính miệt thị thì ngày nay nó trở thành một cụm từ chỉ cách thẩm mỹ, tín ngưỡng của người Cơ tu. Tục lệ cà răng – căng tai của người Cơ tu, đã trở thành nét văn hóa đặc trưng.

Tục lệ cưa răng người Cơ tu đã có từ lâu đời, đó là hình thức bắt buộc đối với mỗi thành viên. Cưa răng, ngoài chức năng làm đẹp, còn là nghi lễ đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành.

hình 1

 Tục cà răng thể hiện được sự trưởng thành của những chàng trai, cô gái người Cơ tu

Theo quan niệm của người Cơ tu ngày xưa, trai, gái đến tuổi trưởng thành mà không cà răng, căng tai là “lạc hậu”, bị bộ tộc chê cười, con trai không lấy được vợ, con gái không lấy được chồng.

Con trai Cơ tu khi đến tuổi trưởng thành sẽ lấy đá dưới suối về cà hai hàm răng mòn sát với nướu và chịu đau để chứng tỏ được mình là một thanh niên trai tráng và khỏe mạnh. Vì vậy, đây cũng là hình thức thử thách lòng dũng cảm, sức chịu đựng của các chàng trai.

Tục “căng tai” của người Cơ tu cũng khá phổ biến. Để đeo được những đôi bông bằng ngà hoặc bằng nứa, gỗ có tiết diện lớn, họ phải căng lỗ dái tai rộng ra. Họ thường dùng loại gai trên rừng để xỏ lỗ tai.

hình 2

Tục căng tai còn thể hiện được nét thẩm mỹ xưa kia của những người nơi đây

Trước khi xỏ gai, họ xoa bóp nước gừng để dái tai thật mềm. Người xỏ lổ tai là một người đàn bà cao tuổi có uy tín trong làng và có nhiều kinh nghiệm xỏ tai. Nếu xỏ không trúng tâm dái tai, sau này khó đeo các vật trang sức lớn hoặc có đeo nhưng dái tai sẽ bị đứt.

Công đoạn để xỏ được trải qua sự chịu đựng đau đớn. Xỏ gai nhọn xuyên qua xong, cứ để nguyên cây gai như vậy, mỗi ngày phải tiếp tục rửa tai bằng nước muối nấu với gừng. Khi vết thương đã khô và lành, họ bắt đầu vặn cây gai vào một chút, mỗi ngày chỉ vặn một lần cho đến khi đầu to cây gai lọt qua được. Cứ làm như thế, mỗi lần xỏ một cây lớn hơn và lỗ tai ngày càng rộng ra.

hình 3

 Căng tai để đeo trang sức còn thể hiện được đẳng cấp, địa vị của từng người

Người Cơ tu quan niệm, những người thuộc giai cấp “quý tộc” thường đeo cặp bông tai làm bằng ngà voi. Họ dùng hai mẩu ngà voi làm đôi bông tai kéo đôi tai dài đến tận gò má, thậm chí dài gần đến vai.

Đặc biệt khi tiếp khách, và các dịp lễ hội. họ thường đeo cặp ngà để cho thêm phần sang trọng, “lịch lãm”. Vì thế một đôi bông tai ngà voi có giá trị rất lớn. Người nghèo thì chỉ đeo đoạn xương mài nhẵn, ống giang, ống trảy hoặc đeo đôi bông ngà voi giả làm bằng củ khoai, củ sắn phơi khô.

hình 4

Nhuộm răng thường phổ biến ở miền bắc và miện trung, một nét thẩm mỹ riêng

Không chỉ cà răng mà người Cơ tu xưa kia cũng có tục nhuộm răng. Họ dùng một loại cây lấy trên rừng phơi khô, đem lấy nhựa này hòa với tro bếp, rồi dùng que nhỏ đầu có quấn giẻ thấm nhựa cây vào và phết vào răng.

Một tháng chỉ phết nhựa cây một lần, chất nhựa dính chặt vào răng, biến thành một màu đen bóng. Đối với người Cơ tu thì nhuộm rang được coi là có tính thẩm mỹ cao và còn ngăn ngừa được sâu răng.

Địa Điểm Du Lịch Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ

Leave A Reply