Đuông chà là – đặc sản trứ danh Nam Bộ

0
Nhà văn Sơn Nam từng ví von đuông chà là bằng cái tên thật ngộ: Hồ đa tử. Còn ông Nguyễn Nhã Ý, tác giả lỗi lạc của bộ đại từ điển Việt Nam cho đây là món ăn ngon và quý.

Cây chà là mọc nhiều ở những dải rừng ngập mặn miền Tây từ Soài Rạp, Đầm Dơi, Rừng Sác… Cây mọc thành khóm, mỗi bụi có nhiều cây nhánh, có gai sắc nhọn.

 Có loại chà là rừng, phân biệt với loại chà là có trái to dùng làm mứt, mà ta thường thấy xuất hiện vào dịp Tết. Chà là rừng thuộc họ dừa, nhưng thân nhỏ chỉ độ bằng cổ chân người lớn. Cây lâu năm, có thân dẻo, chắc, có thể dùng làm đòn khiêng hoặc cột kèo cho loại nhà nhỏ đơn sơ. Thân cây nào có nhiều sẹo chồng chất, dấu tích của bẹ lá, là cây đó càng lâu năm. Quả già có vị chát dùng để ăn chơi, trẻ con rất ưa thích.

 Đuông chà là rừng

Vì thuộc họ dừa nên chà là rừng có bắp củ hủ mềm, thơm, ngọt, đầy chất dinh dưỡng mà loài bọ cánh cứng thích đẻ trên đó, để có thức ăn nuôi ấu trùng đuông sau này. Cây chà là nào bị bọ cánh cứng xâm nhập thì đọt cây thường bị đứt cụt, bẹ lá ủ rũ. Cây không còn được tươi tốt như bình thường. Nhờ đó, người đi bắt đuông chỉ cần nhìn qua là biết ngay.

 Thực ra không hẳn chỉ chà là mới có đuông. Đuông trong dừa, trong mía, trong đất, và con người cũng có thể tạo ra đuông. Nhưng trong thân chà là, đuông to nhất, béo tròn nhất nên trở thành món ăn nổi tiếng. Mỗi cây dừa có hàng trăm con đuông rúc rỉa “tủy sống”. Nhưng mỗi một cây chà là chỉ có một đôi con đuông!

 Đuông chà làĐuông là ấu trùng dạng sâu của một số loại bọ cánh cứng, thường sinh sống trong cổ hũ (phần mềm bên trong ngọn) của các loại cây thuộc họ Cau.

 Khi bắt đuông chà là rừng, người ta không bổ bắp chà là ra để bắt từng con như bắt đuông dừa, mà chặt nguyên bắp chà là trong đó có một hoặc vài con đuông. Như vậy sẽ bảo quản đuông không chết, đồng thời có thể mang đuông đi xa để bán.

 Các cách chế biến

Đuông được chế biến thành nhiều món tuỳ theo đuông dừa hay đuông chà. Có đuông dừa nướng lửa than chấm nước mắm me; đuông nướng ăn cuốn với đủ loại rau cải, chấm nước mắm me chua, uống với rượu…

đuông dừa nướng lửa than chấm nước mắm me

Đuông dừa nướng lửa than chấm nước mắm me

Còn với đuông chà là, món ăn phổ biến nhất vẫn là đuông lăn bột chiên bơ. Trước hết, người ta bổ bắp chà là ra, bắt con đuông thả vào tô nước mắm để đuông bị ngộp mà thải ra các chất bẩn ở đường tiêu hóa, cho thân đuông sạch sẽ và cũng để mình đuông đẫm trong nước mắm thơm ngon. Sau đó con đuông được thả vào một hỗn hợp bột gạo và bột năng đã được pha loãng. Từng con được thả vào chảo mỡ đang sôi, lăn đều cho đến khi vàng rộm.

 đuông lăn bột chiên bơ

Đuông lăn bột chiên bơ

Nước chấm ăn với đuông chà là thông thường là nước tương hoặc nước mắm tỏi, ớt. Vị béo ngọt của đuông chà là cộng với sự giòn thơm của bột năng, bột gạo, hòa quyện với vị mặn của nước chấm đã tạo nên cảm giác ngon tuyệt cho người ăn.

 Ngoài ra, có một cách ăn khác là “đuông lội sông”! Những con đuông vàng rụm dài khoảng 2-3 cm, mình tròn trịa, di chuyển trong đĩa nước mắm như chiến xa lội nước qua sông. Thực khách gắp lấy một “chiến xa” cho vào miệng, nhai cái bụp. Vỏ đuông vỡ ra, chất protein loại albuminoid hoà tan chứa trong mình đuông lan toả ra miệng tạo nên hương vị ngọt ngọt, bùi bùi, vừa giống như trứng vừa giống như phô mai “con bò cười” vậy. Chiêu thêm một ít xị đế nữa thì… “bá cháy bù chét”!

 Đuông lội sông

Đuông lội sông.

 Đuông sống trên đầu ngọn cây, ăn các chất bổ dưỡng ở cây nên rất sạch, nhưng có thể chứa protein lạ nên người có cơ địa dị ứng cũng nên thận trọng khi ăn món này.

Lê My Tổng hợp / Theo Tuổi Trẻ

Leave A Reply